Các tháng 5 - 6 là thời gian cao điểm của mùa khô và là thời điểm căng thẳng nhất trong năm về mặt cung cấp điện của cả nước (nhu cầu/phụ tải của hệ thống có thể đạt bình quân tới 650 triệu kWh điện 1 ngày, công suất lớn nhất toàn hệ thống có thể lên tới 34.300 MW).
Bộ Công Thương khẳng định đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và các doanh nghiệp, nhà máy phát điện sẵn sáng các phương án huy động điện. Việc vận hành thị trường điện luôn gắn liền với công tác bảo đảm điện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. PV Nguyên Long phỏng vấn ông Đinh Thế Phúc - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công thương về nội dung này.
PV: Thưa ông Đinh Thế Phúc, mặc dù hệ thống điện điện hiện nay đã có công suất dự phòng nhưng nỗi lo đảm bảo cung cấp điện vẫn thường trực, đặc biệt trong thời gian cao điểm mùa nắng nóng. Vậy việc huy động các nguồn điện sẽ được thực hiện như thế nào trong mùa khô năm nay, thưa ông ?
Ông Đinh Thế Phúc: Ngay từ cuối năm 2017, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 4830/QĐ-BCT ngày 27 tháng 12 năm 2017 phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện, trong đó có dự kiến lịch huy động các nhà máy điện trong mùa khô và cả năm 2018. Hàng tháng, Cục Điều tiết điện lực đều làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan để rà soát kế hoạch cung cấp điện tháng tiếp theo. Theo số liệu giám sát của chúng tôi thì lũy kế cho đến hết ngày 25/4 nhu cầu điện năm nay tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 0,5% so với dự báo đầu năm. Căn cứ vào tình hình cung cấp điện, Cục Điều tiết điện lực đã trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành công văn số 2530/BCT-ĐTĐL ngày 03 tháng 4 năm 2018 chỉ đạo các Tập đoàn Điện lực, Dầu khí, Than – Khoáng sản có các biện pháp theo dõi sát sao tăng trưởng của phụ tải điện, diễn biến thủy văn, đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu than, khí cho phát điện, đảm bảo độ sẵn sàng cho các nguồn điện... Theo đó, các nguồn thủy điện, nhiệt điện than, tua bin khí, thậm chí cả nhiệt điện dầu cũng được sẵn sàng huy động ở mức độ tối đa để đảm bảo cung ứng điện cho mùa khô 2018.
PV: Thị trường điện bán buôn cạnh tranh giai đoạn 2017-2019 mặc dù đang ở giai đoạn thí điểm (năm 2017 thí điểm giai đoạn 1 - làm quen với việc chào giá, chào bán thử, soát xét…) tuy nhiên, từ năm 2018 đã chuyển sang hình thực thanh toán thật. Việc vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh có ảnh hưởng gì đến việc cung cấp điện cao điểm mùa khô này không, nếu có thì mức độ ảnh hưởng như thế nào ?
Ông Đinh Thế Phúc: Thị trường bán buôn điện cạnh tranh đã kết thúc giai đoạn thí điểm, giao dịch trên giấy vào cuối năm 2017 và bắt đầu thực hiện thanh toán thật từ tháng 01 năm 2018. Việc đưa thị trường bán buôn điện vào vận hành sẽ góp phần đưa cạnh tranh vào khâu mua-bán buôn điện giữa các đơn vị phát điện và các Tổng công ty Điện lực. Thị trường bán buôn điện được thiết kế trên cơ sở kế thừa và phát triển thị trường phát điện cạnh tranh do đó, thị trường bán buôn điện sẽ làm thay đổi các cơ chế hiện tại về định giá, thanh toán, hợp đồng giữa bên mua và bên bán điện từ các nhà máy điện; nhưng không ảnh hưởng đến công tác vận hành, huy động các nhà máy điện để đáp ứng nhu cầu phụ tải. Công tác chào giá, lập lịch huy động các nhà máy điện vẫn giữ nguyên như trong thị trường phát điện cạnh tranh trước đây; đảm bảo việc khai thác tối đa lượng công suất khả dụng của các nhà máy điện để cung cấp đủ điện cho nhu cầu phụ tải của hệ thống điện. Thực tế qua 5 năm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh thì an ninh cung cấp điện vẫn luôn được đảm bảo, không gây tác động tiêu cực đến quá trình vận hành hệ thống điện.
PV. Xin ông cho biết cụ thể về vận hành thị trường điện cạnh tranh trong 4 tháng đầu năm 2018 ?
Ông Đinh Thế Phúc: Từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị vận hành song song thị trường phát điện cạnh tranh như những năm trước đây, đồng thời vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm năm 2018. Thị trường phát điện cạnh tranh hiện nay đã có 86 nhà máy điện tham gia trực tiếp thị trường với tổng công suất đặt là 22910 MW.
Thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm 2018 bao gồm sự tham gia của 05 Tổng công ty điện lực, Công ty Mua bán điện và hai nhà máy điện Phú Mỹ 1 và Phú Mỹ 4. Theo đó, các Tổng công ty điện lực sẽ mua điện theo cơ chế thị trường với tỷ lệ khoảng 4,5% tổng sản lượng điện năng đầu nguồn, phần còn lại mua từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo giá bán buôn điện do EVN quy định. Trong hơn 03 tháng đầu năm, các Tổng công ty điện lực đã tiến hành ký kết các hợp đồng mua bán điện 03 bên với GENCO3 và EVN (đại diện là công ty Mua bán điện); thực hiện dự báo phụ tải, tính toán phân bổ sản lượng hợp đồng mua trên thị trường điện, thu thập, đối soát số liệu đo đếm, kiểm tra, đối soát, xác nhận các bảng kê ngày, bảng kê tháng trên thị trường giao ngay. Vượt qua các bỡ ngỡ, vướng mắc trong tháng vận hành đầu tiên, đến nay thì công tác vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh cơ bản đã đi vào ổn định, chuẩn bị cho việc mở rộng và nâng cấp vào năm 2019 theo lộ trình.