Theo ước tính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), dự toán tổng mức đầu tư cho Dự án Hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) cho vận hành và giám sát vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM) là khoảng 500 tỷ đồng.
Dự án bao gồm hai hợp phần; trong đó, hợp phần VWEM MSS có tổng vốn đầu tư khoảng 12 - 15 triệu USD, thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC, lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế. Hợp phần còn lại có tổng vốn đầu tư khoảng hơn 150 tỷ đồng, dự kiến lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.
Thông tin về công tác đầu tư hạ tầng CNTT cho VWEM, ông Trần Đăng Khoa, Trưởng ban Ban Thị trường điện của EVN cho biết, năm 2016, EVN đã hoàn thành lập, trình và phê duyệt đề cương và dự toán gói thầu khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi; phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) lựa chọn nhà thầu khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi, tổ chức lựa chọn nhà thầu hạ tầng CNTT cho VWEM.
Năm 2017, theo kế hoạch, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và công nghệ EVN (EVNCTI) đã hoàn thành lựa chọn tư vấn (thầu phụ tư vấn nước ngoài) để lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho Dự án. Hiện nay, nhà thầu tư vấn đã hoàn thành dự thảo báo cáo, trình EVNCTI xem xét, phê duyệt. EVN cũng đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ EVNCTI thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. Tư vấn quốc tế cũng làm việc với Tập đoàn về phạm vi đầu tư, yêu cầu kỹ thuật và cơ sở pháp lý về chi phí dự án để bổ sung, báo cáo lại EVN.
Cũng theo ông Khoa, do tiến độ của Dự án đang chậm hơn so với yêu cầu (đưa VWEM vào vận hành chính thức trong năm 2019), nên trong nửa cuối năm 2017, EVN sẽ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi ngay sau khi tư vấn quốc tế hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung. Việc phát hành HSMT lựa chọn nhà thầu tư vấn lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và lập tổng dự toán cũng sẽ được EVNCTI tiến hành ngay sau đó. Sang năm 2018, EVN dự kiến hoàn thành phê duyệt thiết kế thi công và tổng dự toán; thực hiện lựa chọn nhà thầu để mua sắm, thi công và lắp đặt các gói thầu; phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án vào tháng 8/2020.
Trước đó, tại cuộc họp tổng kết công tác vận hành thị trường phát điện cạnh tranh và thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm (giai đoạn 1/7/2016 - 30/6/2017), ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương cho biết, cùng với công tác củng cố và phát triển thị trường phát điện cạnh tranh, Bộ Công Thương đang đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ để đưa VWEM vào vận hành chính thức vào năm 2019. Lãnh đạo Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN chỉ đạo các đơn vị tập trung hoàn thành tốt giai đoạn vận hành thí điểm VWEM 6 tháng cuối năm 2017; đồng thời, tập trung các giải pháp hoàn thiện hệ thống cơ sở CNTT phục vụ thị trường điện cũng như tiếp tục triển khai đào tạo nâng cao năng lực cho các đơn vị thành viên.
Theo Bộ Công Thương, trải qua 5 năm vận hành, đến nay, thị trường phát điện cạnh tranh đã đạt được một số kết quả. Tính đến tháng 6/2017, cả nước có 76 nhà máy điện tham gia giao dịch trên thị trường với công suất lắp đặt đạt 20.728 MW, tăng 2,45 lần so với thời điểm mới vận hành thị trường vào tháng 7/2012 (31 nhà máy). Công tác vận hành thị trường phát điện cạnh tranh được đảm an toàn, liên tục. Hệ thống điện tiếp tục được vận hành tin cậy, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Các thông tin về kế hoạch vận hành thị trường điện, tình hình vận hành hệ thống điện đã được công bố đầy đủ cho các thành viên tham gia thị trường, góp phần tăng tính minh bạch, công bằng trong việc huy động nguồn điện.